Hỏi đáp: Làm sao để minh oan?

Hỏi đáp: Làm sao để minh oan?

Chị Nguyệt có thắc mắc:

Kính chào luật sư Phạm Thành Tài!
Luật sư cho em hỏi:
Một khi phiên tòa đã xét xử và đã kết án tù cho phạm nhân, nhưng phạm nhân lại không cam lòng với án tù đó. Biết là mình bị oan nhưng không có bằng chứng đưa ra. vì sự việc xẩy  ra thì phía mình chỉ có duy nhất bản thân mình còn đối thủ thì rất đông người và còn có thế lực, nên không có ai làm nhân chứng cho mình. Đến mức hành động tự vệ cũng bị coi là cố tình giết người. Lúc xét xử do điều kiện gia đình nên không thể thuê luật sư, cũng không có người nhà tham dự (đk cha già mẹ yếu). Vậy xin hỏi luật sư
Thứ nhất, Phạm nhân này cần phải làm gì để có thể minh oan cho mình????
Thứ hai, trong lúc điều tra lấy lời khai, cán bộ điều tra đã ép cung, thế không có nên buộc phạm nhân phải làm theo lời cán bộ điều tra và ký nhận vào tờ khai. Bên phía phạm nhân giờ phải làm thế nào trong trường hợp này???
Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư!
Xin luật sư gửi lời tư vấn về theo địa chỉ mail: usanguyet@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!

Luật sư giải đáp:

Chào bạn!

Vì không được nghiên cứu hồ sơ vụ án nên tôi chỉ tư vấn cho bạn về nguyên tắc chung như sau:
Theo quy định tại Điều 231 BLTTHS năm 2003 quy định về quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự trong trường hợp họ không nhất trí với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo đó thì bị cáo có quyền kháng cáo đối với toàn bộ bản án sơ thẩm về tội danh, điều khoản BLHS, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt chính và hình phạt bổ sung, về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, án phí…

– Nếu bị cáo là người thành niên và không có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, thì họ phải tự mình thực hiện quyền kháng cáo;

– Nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần thì:

+ Bị cáo có thể tự mình kháng cáo;

+ Người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo mà không cần có sự đồng ý hoặc yêu cầu của bị cáo; họ có thể kháng cáo song song cùng với bị cáo.

Thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 234 BLTTHS năm 2003 như sau: “Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.”

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình người bị kết án có quyền làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Khi hết thời hạn kháng cáo, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án hoặc phát hiện tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án mà Tòa án không biết khi ra bản án thì bản án đó được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong quá trình điều tra lấy lời khai, cán bộ điều tra đã ép cung (bức cung) thì căn cứ tại Điều 299 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội bức cung:

“1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm;

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm.”

Trân trọng!

zalo
đăng ký
facebook