Luật sư Phạm Thành Tài – Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng: “Vẫn nên quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy. Song, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải đưa ra những phương án khiến cho lợi ích, giá trị của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được phát huy triệt để”.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Sau khi thông tin được đăng tải trên fanpage VOV Giao thông đã thu hút rất nhiều thính giả đồng tình với đề xuất này và cho rằng bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới nên cho vào diện mua TỰ NGUYỆN thay vì BẮT BUỘC.
Qua khảo sát thực tế một số người điều khiển xe máy cho rằng:
“Theo bản thân của mình, mình thấy việc mua bảo hiểm cho xe máy cũng không quá là cần thiết. Như bây giờ, hầu hết mọi người mua bảo hiểm cho xe máy chỉ là một hình thức như là để lách luật chẳng hạn. Về bản thân họ, không ai nghĩ là mình sẽ nhận lại được tiền bảo hiểm, thậm chí là xe có hư hại gì thì họ cũng kệ thôi. Bởi vì thủ tục mà để lấy được tiền bảo hiểm rất là phức tạp và mất thời gian”. (Kim Duyên, ở Hà Nội)
“Bảo hiểm là cần thiết nếu nó thể hiện đúng giá trị thực tiễn, đúng nghĩa và ý nghĩa, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của người dùng. Còn nếu chỉ đề ra những điều luật, văn bản, giấy tờ mà không có ý nghĩa đối với người mua, mất tiền để mua thì không cần thiết bắt mọi người đều phải mua bảo hiểm. Bởi vì quyền quyết định, quyền được bảo vệ là mọi người tự quyết định”. (Ngọc Hà, ở Hà Nội)
Liên quan đến vấn đề này, LS. Phạm Thành Tài – Giám đốc Công ty luật Phạm Danh, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm văn minh và thực sự cần thiết với mục tiêu đáp ứng nhu cầu bảo vệ lợi ích và an toàn của toàn thể xã hội nói chung và của những người trực tiếp tham gia giao thông nói riêng.
Mặc dù, trên thực tế bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe mô tô 2 bánh (hay còn gọi xe máy) được chi trả rất ít so với chi phí mà xã hội bỏ ra và chưa đảm bảo được nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Tuy nhiên, LS. Phạm Thành Tài cho rằng, vấn đề ở đây không phải là do loại hình bảo hiểm không tốt hay là không phù hợp mà còn do nhiều nguyên nhân chi phối khác như.
“Thứ nhất, mức độ hiểu biết các quy định pháp luật liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người dân còn không đồng đều, dẫn tới người được bảo hiểm có thể vô tình bỏ qua những quyền lợi của mình.
Thứ hai, về hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm còn phức tạp, trong khi cái mức trách nhiệm bảo hiểm, mức bồi thường bảo hiểm còn thấp chưa cao.
Thứ ba, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chưa thực sự sát sao, dẫn tới việc xử lý hồ sơ trên thực tế còn rất chậm chễ”, Luật sư Phạm Thành Tài phân tích
Bên cạnh đó, không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ sử dụng xe máy sẽ mất đi quyền lợi – đó là được hưởng một khoản bảo hiểm giúp giảm gánh nặng tài chính khi mà xảy ra sự việc không mong muốn. Từ đó, người bị tai nạn cũng gián tiếp bị ảnh hưởng theo, dần dần có thể dẫn tới nguy cơ bất ổn xã hội.
Do vậy, theo quan điểm của LS. Phạm Thành Tài, vẫn nên quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải đưa ra những phương án khắc phục nguyên nhân khiến cho lợi ích, giá trị của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự được phát huy triệt để:
“Cần thiết phải tăng cường phổ biến quy định pháp luật tới người dân và có thể lồng ghép phổ biến quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong quá trình mà người tham gia giao thông thi để cấp bằng lái xe.
Nghiên cứu, tăng mức trách nhiệm bảo hiểm và tăng mức bồi thường bảo hiểm để nâng cao lợi ích mà người dân được hưởng. Hoặc là nghiên cứu để cắt giảm những hồ sơ thủ tục không cần thiết, giúp cho hoạt động bồi thường bảo hiểm được tinh gọn.
Nghiên cứu phương án phối hợp giữa các cơ quan hữu quan nhằm cắt giảm những thủ tục, trách rườm rà cho người dân”, LS. Phạm Thành Tài chia sẻ.
Theo VCCI, thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
Theo báo cáo, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm).
Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
So với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường.
Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng.;
Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Theo VOV Giao thông