Trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp trên cả nước khiến mọi tiếp xúc xã hội bị gián đoạn, lúc này các hoạt động tội phạm lừa đảo chủ yếu hoạt động trên môi trường mạng hoăc qua viễn thông cũng có cơ hội phát triển mạnh. Thông thường, các đối tượng thường mạo danh cơ quan nhà nước yêu cầu người nghe nộp tiền, hoặc mời chào tham gia đầu tư tài chính, những thủ đoạn này liên tục nở rộ, làm phiền người dân và không ít trong số đó sập bẫy tâm lý của tội phạm và trở thành nạn nhân. Đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy thuộc vào tính chất của hành vi và giá trị tài sản chiếm đoạt mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ thì đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng; đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền hoặc tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp trị giá tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về các tội chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tư, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến chung thân, đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong thời gian vừa qua, những vụ án lừa đảo qua mạng ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng về phương thức phạm tội. Bởi cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng internet trong xã hội, các hành vi lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn, đối tượng lừa đảo thường sử dụng các phương thức phạm tội bằng công nghệ cao khi thực hiện hành vi phạm tội và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che dấu hành vi phạm tội như: Sử dụng thông tin cá nhân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng, thuê bao di động; giao dịch bằng tiền ảo, tiền điện tử, sử dụng các ứng dụng giả mạo địa chỉ IP, hoặc trên thực tế đã có nhiều trường hợp người dân nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng là Công an, cán bộ Tòa án và dụ dỗ, đe doạ chuyển tiền vào số tài khoản do người đó cung cấp nếu không người dân và gia đình họ sẽ bị vướng vào vòng lao ý, bị xâm phạm tới sức khoẻ, tính mạng, vv…
Vì vậy, để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử, người dân cần thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để nâng cao cảnh giác. Đồng thời, người dân cũng cần hạn chế truy cập các website lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, mật khẩu, OTP, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội cũng như không cung cấp thông tin này cho bất cứ ai. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Hơn nữa, người dân cần bình tĩnh xử lý các nội dung thông tin do đối tượng lừa đảo cung cấp, cũng như chia sẻ, xin ý kiến về cách thức xử lý vấn đề với người có hiểu biết pháp luật hoặc xin ý kiến tư vấn pháp luật của Luật sư. Đồng thời, báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo để phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ kẻ lừa đảo.